HOA CÚC – Thanh nhiệt, chống viêm và giúp dễ ngủ
13/02/2020 09:49
Hoa cúc từ lâu được biết đến với công dụng mát gan, chống viêm, thanh nhiệt và giúp chữa trị chứng mất ngủ. Nền y học cổ truyền phương Đông đã có nhiều bài thuốc độc đáo từ loại thảo dược này giúp cải thiện nhiều loại bệnh.
Hoa cúc dùng để làm dược liệu chủ yếu là 2 loại: hoa cúc trắng (bạch cúc) và hoa cúc vàng (kim cúc).
Tên gọi khác: Cúc hoa, nữ hoa, mẫu chúc, nữ hành, nhật linh, âm thành…
Mô tả chung
– Cây cúc hoa vàng (hay còn gọi là kim cúc): Cây thẳng đứng cao khoảng 90cm. Phiến la có hình 3 cạnh tròn, thùy xẻ sâu. Cụm hoa có hình cầu, đường kính nhỏ hơn so với hoa cúc trắng, khoảng từ 1 – 1,5cm. Hoa có màu vàng.
– Cây bạch cúc: Được coi là một cây thuốc quý, sống dai hoặc một số loại chỉ sống 1 năm. Thân đứng nhẵn, có rãnh. Lá mặt dưới có lông và trắng hơn mặt trên, có từ 3 – 5 thùy trái xoan tròn đầu hay hơi nhọn, có răng ở mép. Phần cuống lá có tai ở gốc. Đầu to, các lá bắc ở ngoài hình chỉ, phủ lông trắng, các lá trong thuôn hình trái xoan.
Hoa có màu trắng, nhị màu vàng nhạt. Hoa có đường kính khoảng 2,5 – 5cm. Quả bế gần hình trái xoan, bông thường hay ướp trà.
Bộ phận dùng
Hoa, nụ. Loại hoa còn nguyên vẹn, màu tươi sáng, không lẫn cành. Dùng ở cả 2 dạng tươi hoặc khô đều được.
Thu hái
Thường thu hoạch vào mùa thu đông, khoảng từ tháng 9 – 11 hàng năm.
Chế biến
Hoa vừa chớm nở, hoặc nụ hoa, đem hái về phơi nắng nhẹ hoặc phơi trong bóng râm, dùng tươi là tốt nhất. Muốn bảo quản lâu thì nên xông hơi Lưu hoàng từ 2 – 3 giờ, hoa chín mềm là được, đem nén một đêm, chắt nước đen chảy ra, sau đó phơi khô và cất đi dùng dần. Không nên phơi nhiều hoặc phơi nắng quá to sẽ bị mất hương vị và cánh hoa bị nát, biến màu. Không được sấy ở nhiệt độ quá cao. Chỉ nên hong khô trong gió hoặc sấy lạnh ở nhiệt độ thích hợp.
Bảo quản
Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Thành phần hóa học
Một nghiên cứu đã chỉ ra trong thành phần của bạch cúc có chứa nhiều hoạt chất như: borneol, camphor, chrysanthenone, lutein-7-ramnoglucoside, cosmoiin, apigenin-7-O-Glucoside…
Tác dụng dược lý
+ Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc từ hoa cúc, trong thí nghiệm, có tác dụng ức chế tụ cầu trùng vàng, Liên cầu trùng dung huyết Bêta, Lỵ trực trùng Sonnei, trực trùng thương hàn.
+ Điều trị huyết áp cao: Cúc hoa đem sắc lấ nước cho 46 người bệnh huyết áp cao hoặc bệnh xơ mỡ động mạch. Chỉ trong vòng 1 tuần lễ các chứng đầu đau, chóng mặt, mất ngủ có cải thiện, 35 người trở lại huyết áp bình thường. Trên 10-30 ngày sau những triệu chứng còn lại tiến triển tốt.
+ Hoa bạch cúc có tác dụng ức chế phần nào các loại nấm ngoài da.
Chủ trị:
Cúc hoa Trị chóng mặt, đầu đau, mắt đỏ, hoa mắt các chứng du phong do phong nhiệt ở Can gây nên, nặng một bên đầu. Liều dùng: 6 – 20g.
Tính vị & công năng
– Hoa cúc vàng có vị đắng cay, tính ôn, vào 3 kinh, phế, can và thận, có tác dụng tán phong thấp, thanh nhiệt, giải độc, làm sáng mắt.
– Hoa cúc trắng theo Đông y, có vị ngọt, hơi đắng, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải cảm, giáng hỏa, mát gan, làm sáng mắt. Do đó, hoa cúc thường được dùng để chữa các chứng do phong nhiệt như chóng mặt, nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, đinh nhọt, sang lở.
Công dụng của hoa cúc
– Giúp an thần, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt, mất ngủ:
Dùng trà hoa cúc hàng ngày sẽ giúp cho cơ thể bạn cảm thấy thoải mái sau những giờ lao động mệt mỏi. Làm giãn cơ đồng thời làm cho tâm trạng thoái mái. Giúp bạn quên đi những căng thẳng. Hoa cúc trắng có tính an thần nhẹ, có vị ngọt, hơi đắng, tính mát. Có tác dụng giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan, làm sáng mắt.
– Khắc phục bệnh tiểu đường:
Uống trà hoa cúc giúp giảm các triệu chứng kích thích trong dạ dày mà sử dụng trà hoa cúc hàng ngày có thể làm giảm lượng đường huyết. Tránh lượng đường trong máu tăng cao và hạn chế sự phát triển của bệnh tiểu đường.
– Trị các chứng nhiệt độc:
Hoa cúc có tính thanh mát, do đó nó vô cùng quan trọng đối với những người thường xuyên bị nhiệt độc tích tụ trong người. Nóng bức do làm việc văn phòng hoặc ngoài trời gây bứt rứt, sốt cao, viêm nhiễm, mụn nhọt… Sử dụng trà hoa cúc hàng ngày giúp bạn thanh lọc cơ thể, đồng thời làm mát gan. Giải nhiệt, đối với những người bị bệnh nặng. Nên uống trà hoa cúc thay nước hoặc kết hợp với một số bài thuốc đông y để chữa bệnh.
– Mát gan, tiêu độc:
Do gan làm việc quá tải nên thường gây ra các tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến cơ thể như phát ban mụn xung quanh người, gây ra viêm gan cấp tính. Sử dụng trà hoa cúc kết hợp với hoa kim ngân, bồ công anh sẽ giúp bạn thanh lọc gan, thanh nhiệt. Đồng thời giúp gan loại bỏ các chất độc có trong cơ thể, cải thiện tình trạng suy yếu của gan và phục hồi chức năng gan.
– Giảm cơn đau kỳ kinh nguyệt:
Nước trà thơm làm từ hoa cúc trắng này còn có tác dụng phòng cảm và loại bỏ các cơn đau thắt do kinh nguyệt gây ra- các nhà nghiên cứu Anh tuyên bố 5 chén mỗi ngày trong vòng nửa tháng đủ để tăng hàm lượng hoá chất trong nước tiểu giúp giảm co thắt cơ và chống viêm nhiễm.
– Ngăn ngừa tế bào ung thư:
Nghiên cứu mới tại Mỹ phát hiện hóa chất tự nhiên apigenin có trong trà hoa cúc có tác dụng ngăn ngừa tế bào ung thư lan rộng và khiến chúng nhạy cảm hơn với thuốc trị ung thư. Trà hoa cúc cũng đặc biệt hữu ích với những người làm việc văn phòng, ngồi máy tính nhiều, ít di chuyển, ăn uống không đủ chất.
– Làm đẹp da:
Chính vì sự thanh mát của hoa cúc mà hầu hết phụ nữ sử dụng loại trà này đều hạn chế sự nổi mụn, đồng thời làm căng da mặt, giúp da loại bỏ các chất độc hại và bảo vệ làn da, không lo bị nám hoặc tàn nhang…
– Trị mất ngủ, hạ huyết áp:
Trà hoa cúc được mệnh danh là liều thuốc tự nhiên tốt nhất. Uống một ly trà hoa cúc trước khi đi ngủ sẽ khiến cho giấc ngủ sâu và ngon hơn. Không những thế hoa cúc có thể giúp kháng khuẩn, kháng siêu vi gây cảm cúm, làm giãn mạch máu, hạ huyết áp, giảm mỡ trong máu, làm dịu căng thẳng thần kinh và giúp ngủ ngon.
Lưu ý khi sử dụng hoa cúc
Hoa cúc phù hợp với những người bị bệnh do nhiệt nên những người tỳ vị hư hàn, bao tử yếu và đang bị tiêu chảy không nên dùng
Không nên phơi hoa cúc dưới nắng quá gắt và cần chú ý trong bảo quản vì hoa cúc rất dễ bị ẩm mốc.
Cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng dược liệu này để trị bệnh.